Điều quan trọng là ta có đủ dũng cảm hay không?
Mỗi bước ngoặt của khoa học công nghệ bao giờ cũng tạo nên những đứt gãy trong cuộc sống con người và thử thách khả năng của chúng ta. Nhưng khi một cánh cửa đóng lại, bao giờ cũng có một cánh cửa khác mở ra, điều quan trọng là ta có đủ dũng cảm hay không để bước qua cánh cửa ấy.
Năm 1815, Hiệu trưởng một trường Đại học viết: "Sinh viên ngày nay phụ thuộc quá nhiều vào giấy tờ. Họ không biết cách viết trên bảng mà không dính bụi phấn khắp người. Họ sẽ làm gì khi hết giấy?"
Năm 1950, Cục Giáo viên Liên bang Mĩ lo ngại: "Bút bi sẽ là sự huỷ hoại của giáo dục ở đất nước chúng ta. Học sinh sử dụng thiết bị này xong thì vứt chúng đi. Các giá trị của người Mĩ như sự tiết kiệm đã bị gạt bỏ. Các doanh nghiệp và ngân hàng sẽ không bao giờ cho phép những thứ xa xỉ đắt tiền như vậy".
Tôi nhớ khi Chat GPT mới ra đời, khi chấm bài luận của sinh viên, tôi cũng đã hốt hoảng như vậy khi phát hiện ra rất nhiều bài luận không sai không đúng, được viết bằng một cấu trúc logic rất giống nhau, với những câu văn ngắn đúng chuẩn nhưng thiếu bản sắc. Vào thời điểm đó, tôi giật mình nhận ra rằng, làn sóng AI đã tràn đến giảng đường đại học, và công cụ chống gian lận như Turnitin tỏ ra bất lực vì không thể truy vết những bài luận được viết bởi AI.
Giờ đây, AI và đặc biệt là AI tạo sinh, đang trở nên ngày càng quen thuộc và xâm nhập vào mọi ngõ ngách của giáo dục. Với các gia sư ảo, HS có thể tự học được rất nhiều kiến thức, kĩ năng mà không cần có sự hỗ trợ của giáo viên. Các công cụ AI giờ đây không những có thể ra bài tập, chấm chữa bài một cách rất chi tiết mà còn có thể giao tiếp trực tiếp với học sinh. Tình trạng gian lận trong việc làm bài tập cũng trở nên phổ biến. Phụ huynh đứng trước mối lo ngại là giờ đây con em họ quá phụ thuộc vào máy móc và thậm chí không còn có nhu cầu giao tiếp với con người. Còn giáo viên thì càng hoang mang hơn: Làm thế nào để kiểm soát và ngăn ngừa gian lận? Giữa sự bùng nổ của các công cụ AI, làm thế nào để không bị tụt hậu, chọn công cụ nào để tối ưu công việc của mình mà lại không mất quá nhiều thời gian và tiền bạc? Làm thế nào để kéo học sinh trở lại lớp học, trong khi ngưỡng tập trung của các em dường như đang ngày càng suy giảm nghiêm trọng.
Và nỗi sợ hãi lớn nhất của giáo viên có lẽ là: Liệu mình có thể bị đào thải và thay thế bởi máy móc, như những hiệp sĩ thời trung cổ đã trở nên thảm hại trong thời đại của đại bác, và người đánh xe ngựa kéo đã bị gạt ra khỏi xã hội khi đầu máy hơi nước ra đời?
Có thể nói, cơn lốc AI đang tràn tới. Giống như sự xuất hiện của những phát minh quan trọng trong những thời điểm đứt gãy của lịch sử nhân loại: máy dệt, máy hơi nước, đại bác, thuyết nhật tâm..., cơn lốc AI cũng mang trong mình đồng thời cả hai khả năng: huỷ diệt và tái sinh. Nó sẽ phá huỷ những thói quen, trật tự cũ, nhưng đồng thời cũng tạo ra những mô hình, phương pháp mới.
Trước cơn lốc này, thiết nghĩ cần xem xét trí tuệ nhân tạo trên ba bình diện: AI như một bối cảnh, AI như một nhân vật và AI như một công cụ.
AI trước hết tác động đến giáo dục với tư cách một bối cảnh. Nó định vị lại cấu trúc nghề nghiệp trong xã hội. Nhiều nghề nghiệp có nguy cơ biến mất. Những nhà văn, nhà báo, hoạ sĩ, nhạc sĩ hạng xoàng sẽ có nguy cơ thất nghiệp. Nhiều kĩ năng mà ngày nay chúng ta đang chăm chỉ dạy cho học sinh: viết văn theo mẫu, giải đi giải lại những bài toán giống nhau, học thuộc lòng kiến thức lịch sử... sẽ trở nên lỗi thời và thậm chí vô ích. Bạn không nhất thiết phải dạy học sinh lái công nông khi thế giới đã phát minh ra ô tô. Dạy cái gì chính là câu hỏi đầu tiên mà các nhà giáo dục phải đặt ra.
Mô hình học tập đang và sẽ thay đổi. Học tập trong nhà trường không còn là một cơ hội duy nhất, và việc học không được phép dừng lại khi HS rời khỏi ghế nhà trường. Giáo viên không còn là người duy nhất cung cấp kiến thức và hướng dẫn kĩ năng, mà học sinh có thể học kiến thức từ nhiều nguồn và thực hành các kĩ năng với sự hỗ trợ của gia sư ảo. Vậy thì, vai trò của giáo viên và trường học sẽ là gì? Làm thế nào để việc tiếp xúc thường xuyên với máy không biến các em trở nên vô cảm? Làm thế nào để các em biết nhận ra các thiên kiến và ảo tưởng trong các thông tin mà AI cung cấp, biết phân biệt cái thật trong một thế giới ảo rất nhiều cái giả? Làm thế nào để các em không trở nên lười biếng và phụ thuộc, mà có thể sử dụng AI một cách thông minh để phục vụ đắc lực cho việc học?
Thứ hai, AI đang hiện diện trong giáo dục như một nhân vật. Khi AI có khả năng bắt chước ngôn ngữ và trí tuệ, vốn được coi là những thứ đặc quyền của con người, thì ranh giới giữa người và máy dường như bị xoá mờ. Bằng cách có thể hiểu các thông tin và đối thoại với con người, đồng thời bằng khả năng tự học hỏi hết sức nhanh chóng, AI ngày càng can thiệp sâu sắc vào các mối quan hệ xã hội trong trường học. Nó có thể trở thành gia sư cho học sinh, trợ giảng và đồng nghiệp của giáo viên, trợ lý cho hiêụ trưởng. Bởi vậy, các nhà giáo dục chắc chắn phải ý thức được sự hiện diện của kẻ-mà-ai-cũng-biết-là-ai-đấy này trước khi đưa ra bất cứ một quyết định quan trọng nào. Ví dụ, nếu giao cho học sinh một bài tập về nhà, thì bạn cần hình dung ra gia sư AI sẽ có khả năng can thiệp đến đâu vào kết quả của bài tập, và ra đề thế nào để đánh giá được năng lực thực sự của học sinh, làm thế nào để đảm bảo rằng bạn đang đo lường năng lực của học sinh chứ không phải đang bị AI qua mặt. Khi thiết kế một giáo án, bạn cần phải tính toán xem có thể uỷ quyền cho trợ giảng AI làm những việc gì, để bạn có thời gian tập trung vào những công đoạn mà không máy móc nào có thể thay thế. Và đồng thời, bạn cũng cần hiểu rõ những hạn chế của "con người" này: sự thiếu vắng lòng trắc ẩn, sự ảo giác và đặc biệt là thiên kiến, để có thể bù đắp và khắc phục chúng. Bạn cần xây dựng một quan hệ hợp tác và đồng sáng tạo với các nhân vật mới mẻ này, và trở thành đạo diễn thông minh để mỗi diễn viên có thể thực hiện tốt nhất vai diễn của chính mình.
Và cuối cùng, AI đang tồn tại như một công cụ đắc dụng. Giống như đầu máy hơi nước, nó có thể làm gia tăng tốc độ và nâng cao hiệu suất công việc. Nhưng như một con dao hai lưỡi có thể làm đứt tay những người dùng lóng ngóng, việc sử dụng các công cụ AI một cách thiếu hiểu biết có thể khiến chúng ta trở nên lười biếng, phụ thuộc và nông cạn. Giờ đây, những kiến thức và kĩ năng sử dụng AI trở nên cực kì quan trọng, vì nếu làm chủ được kĩ năng này, bạn có thể giảm bớt thời gian làm việc, đặc biệt là thời gian cho những việc lặp lại, nhàm chán, tốn thời giờ để tập trung vào việc sáng tạo. Với Chat GPT, Gemini, Gamma, Canva, Kahoot, Quizziz, Google Classroom... nếu biết sử dụng khôn ngoan, bạn có thể tiết kiệm được ít nhất 1/3 thời gian làm việc, và do đó có thêm nhiều thời gian cho bản thân, cho gia đình và đặc biệt là có nhiều thời gian hơn để học hỏi.
Sau 2 năm kiên trì đọc rất nhiều các tài liệu về AI trong giáo dục, tham gia các khoá học trực tuyến về AI trên thế giới và sử dụng các công cụ AI trong công việc của mình, tôi nhận ra AI đang thực sự mang đến những cơ hội mới. Rất nhiều việc mà trước đây tôi phải làm thủ công, mất rất nhiều thời gian, giờ đây đã được giải quyết trong nháy mắt. Tôi thậm chí còn nghĩ rằng mình vừa tuyển thêm được một đội ngũ nhân viên tận tuỵ, có mặt bất cứ khi nào mình cần.
Trong Kinh Thánh, có một câu chuyện rất nổi tiếng về con tàu của ông Noah. Năm ấy, Đức Chúa Trời hối hận vì đã tạo ra loài người, nên đã gây nên một trận đại hồng thuỷ để huỷ diệt tất cả. Nhưng không nỡ giết chết ông Noah, một con người công chính, Ngài đã báo trước và hướng dẫn ông đóng một con tàu lớn và bảo vệ sự sống của các loài vật. Ông Noah nhờ vậy đã sống sót sau trận đại hồng thuỷ, và khôi phục được sự sống trên trái đất.
Mỗi bước ngoặt của khoa học công nghệ bao giờ cũng tạo nên những đứt gãy trong cuộc sống con người và thử thách khả năng của chúng ta. Nhưng khi một cánh cửa đóng lại, bao giờ cũng có một cánh cửa khác mở ra, điều quan trọng là ta có đủ dũng cảm hay không để bước qua cánh cửa ấy.