Tự học từ cuộc sống - Life is the only real school
Có bao giờ bạn nghĩ: muốn hạnh phúc về khía cạnh nào, mình chỉ cần tự học để hiểu thật rõ ràng khía cạnh ấy không?
1. Life is the only real school
Nhà văn nổi tiếng người Pháp, Marcel Proust, từng nói: “Cuộc hành trình thật sự của khám phá không phải là tìm kiếm những vùng đất mới mà là có một đôi mắt mới.” Cuộc sống là một kho tri thức vô tận mà bất kỳ ai, dù ở độ tuổi hay nền tảng nào, cũng có thể tự học và khám phá.
Trong cuộc sống hàng ngày, không cần bảng đen hay giáo trình, chúng ta cũng có thể học được cách đối diện với thách thức, cách yêu thương, và cách trân trọng những khoảnh khắc bình dị, hoặc bỏ đi những định kiến. Thật vậy, mỗi trải nghiệm đều là một bài học, mỗi con người gặp gỡ là một người thầy, và mỗi khó khăn là một cơ hội để trưởng thành.
Mình vẫn nhớ, những năm đầu ở Pháp, mình từng sốc văn hoá nặng khi sống chung nhà với mấy ông bạn người Pháp. Đêm đó, hai ông cãi nhau ầm ầm, tưởng chừng sắp “cạch mặt” đến nơi. Ấy thế mà sáng hôm sau lại thấy hai ông í í ới rủ nhau đi chơi, cười nói như chưa hề có chuyện gì xảy ra! Với kiểu suy nghĩ của người Việt, mình không tài nào hiểu nổi – chẳng phải cãi nhau to thế thì sẽ giận dỗi, ít thì làm mặt lạnh với nhau vài hôm, nhiều thì cả đời từ mặt, chẳng phải thế hay sao?
2. Nhà cố vấn AI trong hành trình tự học từ cuộc sống
Thực sự thì, trong thời đại công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) đã mở ra cánh cửa cho những cách học mới mẻ, vượt xa sự tưởng tượng. AI không chỉ là công cụ để giải quyết các vấn đề kỹ thuật phức tạp, mà còn là người bạn đồng hành giúp chúng ta kết nối và hiểu sâu hơn những bài học cuộc sống.
Một ví dụ nhỏ, với vô số công cụ AI ngày nay, chúng mình đã có thể dễ dàng học những ngôn ngữ mới. Bạn biết không, Nelson Mandela từng nhấn mạnh rằng: “Nếu bạn nói với một người bằng ngôn ngữ mà họ hiểu, đó sẽ đi vào đầu. Nhưng nếu bạn nói với họ bằng ngôn ngữ của họ, điều đó sẽ đi vào tim.” AI giúp chúng ta làm điều này dễ dàng hơn, giúp chúng ta chạm đến trái tim của nhau dù đến từ bất kỳ nền văn hoá nào, qua đó, mở rộng quá trình học hỏi không biên giới.
Đồng thời, AI cũng có thể là chuyên gia văn hoá, bạn ấy vô cùng am hiểu những khác biệt tinh tế về văn hoá, truyền thống.
Quay trở lại câu chuyện của mình, nếu thời đó có một chuyên gia văn hoá AI giải thích, mình sẽ hiểu ngay: với người Pháp, tranh luận nảy lửa không phải là để gây thù. AI có thể giải thích cách người Pháp nhìn nhận về xung đột: đó là cơ hội để bày tỏ ý kiến, giải quyết vấn đề và, sau cùng, thắt chặt mối quan hệ. Những cuộc tranh cãi ở Pháp không phải là dấu hiệu của sự rạn nứt, mà ngược lại, là sự thể hiện của một mối quan hệ chân thành, nơi hai bên đủ tin tưởng để thành thật với nhau. Khác hẳn người Việt mình, thường tránh cãi vã vì sợ tổn thương mối quan hệ, và khi tích tụ để cơn giận bùng nổ ra rồi thì chẳng còn muốn nhìn mặt nhau thêm nữa.
Nhìn rộng ra, AI cũng có thể hữu ích trong câu chuyện kinh doanh hoặc thương thuyết, khi ta tiếp xúc với đối tác đến từ những nền văn hoá khác.
Bạn có biết, ở Nhật Bản, “khoảng lặng” trong giao tiếp, hay còn gọi là ma (間), được coi là một phần rất quan trọng để thể hiện sự tôn trọng? Trong khi đó, ở các nước phương Tây, những khoảng im lặng ấy đôi khi lại khiến người khác cảm thấy khó xử.
Hoặc như ở các quốc gia Ả Rập, bạn có biết rằng việc từ chối đồ ăn, thức uống khi được mời là một hành động vô cùng lịch sự, thường phải từ chối ít nhất ba lần để chủ nhà thực sự hiểu được là khách đã no? Nếu không quen với phong tục này, có thể bạn sẽ thấy bối rối.
Nếu có AI bên cạnh, bạn sẽ có thể hỏi tư vấn để chuẩn bị trước cho những tình huống này. AI còn có thể giúp ta hiểu sâu sắc những điều thú vị như: tại sao người Anh lại rất hay nói “sorry” dù chẳng có lỗi gì cả, hoặc lý do người Hàn Quốc luôn phải hỏi tuổi nhau ngay từ lần đầu gặp mặt. Mỗi nền văn hoá là một “mã số bí mật” của xã hội, một bức tranh đầy sắc màu mà AI giúp chúng ta giải mã từng chút một.
Trong bối cảnh toàn cầu và hội nhập hiện nay, chuyên gia văn hoá AI thực sự có thể giúp ta tránh việc vướng vào những định kiến mà vẫn thoải mái tận hưởng sự khác biệt giữa các nền văn hoá, dễ dàng cảm thông cho nhau và bớt “lệch pha” hơn.
3. Người bạn đồng hành trên trường đời
AI và tự học từ cuộc sống là một cuộc gặp gỡ thú vị giữa trí tuệ nhân tạo và bản năng tự nhiên của con người. Nếu AI có thể xử lý hàng tấn dữ liệu trong tích tắc, thì mỗi bài học từ cuộc sống lại mang đến cho con người những hiểu biết tinh tế mà không máy móc nào sao chép được hoàn toàn. AI có thể giúp chúng ta tìm ra giải pháp nhanh chóng, nhưng cách chúng ta học hỏi, thích nghi và phát triển từ những thất bại cũng như thành công của bản thân mới vun bồi nội lực.
Thay vì lo lắng AI sẽ thay thế con người, có lẽ chúng ta nên nhìn nhận rằng AI có thể trở thành "người bạn đồng hành" trên hành trình khám phá tri thức và trải nghiệm cuộc sống. Với sự hỗ trợ từ AI, con người có thể có thêm thời gian và công cụ để tìm hiểu bản thân, để kết nối với người khác, và để tự học từ những khoảnh khắc bình dị nhất.
Công nghệ giúp con người làm được nhiều hơn, nhưng chỉ cuộc sống mới giúp con người trở thành chính mình.
Thuý HOÀNG - Bài viết cho blog "Tự học cùng AI".